Ngày đăng 15/11/2023 | 12:00 AM 

Ngành vật liệu xây dựng cần nhanh chóng thực hành ESG để phát triển bền vững

(NSCL) Vật liệu xây dựng được xem là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên lẫn mức độ phát thải lớn khi chiếm 40% lượng CO2 thải ra môi trường. Điều này đòi hỏi cần phải nhanh chóng thực hành bộ tiêu chuẩn ESG để phát triển bền vững.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, mỗi năm, ngành vật liệu xây dựng phát thải khoảng 40% lượng CO2 ra môi trường. Thực trạng này cho thấy ngành cần nhanh chóng thực hành ESG để tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai; đồng thời doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần thay đổi nhận thức để thực hành ESG một cách bài bản.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, hiện nay, việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG có vai trò quan trọng khi đo lường các yếu tố phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Qua việc thực hành ESG, doanh nghiệp còn có nhiều lợi thế hơn để thu hút nhà đầu tư, người cho vay và khách hàng; đồng thời cải thiện hiệu suất tài chính và tạo sự phát triển bền vững. Cụ thể, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thể hiện sự quan tâm tới các tiêu chí ESG như là một phương pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như thuyết phục người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, trong ngành vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về ESG cùng những lợi thế có được khi thực hành ESG. Vì vậy, vẫn còn tình trạng mỗi doanh nghiệp sẽ có một hành trình ESG riêng biệt.
"Đã đến lúc các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cần chuyển đổi thực hành ESG để tiến tới phát triển xanh, tuần hoàn và đạt mục tiêu Net Zero. Khi thực hành ESG hiệu quả còn giúp cho những doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu xanh theo đúng xu hướng phát triển của thế giới. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng rất chú trọng ESG, nghĩa là các đơn vị trong nước nếu muốn hợp tác với nước ngoài cũng phải hướng đến tiêu chuẩn này. Vì vậy nếu không thực hiện ESG, nguy cơ về dài hạn, doanh nghiệp Việt sẽ không thể tham gia chuỗi cung ứng ngay trên sân nhà của mình", ông Đinh Hồng Kỳ cảnh báo.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico Tây Ninh cho biết, phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn có hay không mà là con đường bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển.
"Thực hành ESG là con đường tất yếu phải đi cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt ngành vật liệu xây dựng. Sản xuất xanh, tiếp thị các sản phẩm xanh, đầu tư vào con người và cộng đồng không phải là chi phí. Đây là những khoản đầu tư khôn ngoan cho tương lai của doanh nghiệp, là tự mình cứu mình để thích ứng với luật chơi “xanh” toàn cầu. Chưa kể việc thực thi bộ tiêu chuẩn ESG sẽ giúp doanh nghiệp phát triển vững vàng. Khi thực thi tốt ESG, doanh nghiệp sẽ giữ chân được và thu hút được nhân tài. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được chính quyền đánh giá giao khi có chiến lược phát triển bền vững”, ông Nguyễn Công Bảo khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Công Bảo, đa số doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu trên hành trình ESG; phía trước còn rất nhiều việc cần làm để kiện toàn các chương trình của doanh nghiệp. Vì vậy, để doanh nghiệp có hướng đi đúng theo mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết, trước mắt các cơ quan quản lý cần đưa ra các quy định rõ ràng trong việc khai báo lượng phát thải khí nhà kính, triển khai báo cáo ESG và tạo điều kiện đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp cùng tham gia. Mặt khác, nhằm kéo giảm khoảng cách giữa cam kết và thực hành, doanh nghiệp cần cơ cấu quản trị ESG mạnh mẽ, chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu báo cáo và đảm bảo tính độc lập khi báo cáo thực hành ESG. Về lâu dài, doanh nghiệp cần sự đồng thuận về tư duy phát triển bền vững của các nhân viên công ty để chung tay chuyển đổi sang thực hành ESG từ chính trong doanh nghiệp.
Bộ tiêu chuẩn ESG (Environmental - Social - Governance) tức là Môi trường - Xã hội - Quản trị, đo lường các yếu tố là trọng tâm của phát triển bền vững. Theo đánh giá của nhiều công ty tư vấn trên thế giới, bộ chỉ số ESG đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, là thước đo đánh giá sự phát triển bền vững doanh nghiệp, là cơ sở để khách hàng, đối tác, nhà đầu tư lựa chọn doanh nghiệp để hợp tác, kinh doanh.

Khái niệm ESG ra đời từ những năm 1953, trong tác phẩm “Social Responsibilities of the Businessman” của nhà kinh tế học người Mỹ - Howard Bowen. Năm 1988, nhà kinh tế James S. Coleman đã đưa ra khái niệm “vốn xã hội” vào việc đo lường giá trị của doanh nghiệp. Đến năm 2004, khái niệm ESG được giới thiệu trong báo cáo của LHQ mang tên “Who cares wins”.
Từ một sáng kiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp do LHQ khởi xướng, ESG đã trở thành một hiện tượng toàn cầu với số lượng doanh nghiệp có tổng tài sản lên đến 30 nghìn tỷ USD tham gia. Từ năm 2020, LHQ đã có nhiều chính sách khuyến khích tăng tốc để phủ dữ liệu ESG với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
 Tiêu chuẩn ESG là gì?
Tiêu chuẩn ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.
Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của công ty khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao sẽ càng chứng minh thương hiệu thực hành tốt ESG.
Tiêu chuẩn ESG bao gồm đa dạng vấn đề, bắt nguồn từ luật quốc tế, luật địa phương hoặc các thỏa thuận, nguyên tắc ở mỗi quốc gia. Để thực hiện ESG, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 trọng tâm chính với hàng chục tiêu chí cụ thể.
Tiêu chí môi trường xem xét hoạt động kinh doanh của một tổ chức tác động như thế nào đến môi trường, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ra sao, những rủi ro và cơ hội tiềm ẩn mà tổ chức sẽ gặp phải do các vấn đề môi trường (chẳng hạn như biến đổi khí hậu). Một số ví dụ về yếu tố môi trường trong ESG có thể kể đến như quản lý chất thải, giảm lượng khí thải nhà kính, tiêu thụ nguồn năng lượng sạch,…
Tiêu chí xã hội liên quan đến cách những tổ chức thực hiện các chính sách và thực hành liên quan đến nhân quyền, quản lý lao động và đối xử công bằng với khách hàng, đối tác và cộng đồng. Chẳng hạn như việc trả lương xứng đáng cho nhân viên, đảm bảo tính gắn kết trong đội ngũ, sức khỏẻ và an toàn nơi làm việc, mức độ hài lòng của khách hàng,…
Tiêu chí quản trị chú trọng vào những chính sách quản lý của doanh nghiệp, cách thức kiểm soát nội bộ để duy trì việc tuân thủ quy định chung, đảm bảo tính minh bạch và đạo đức trong kinh doanh. Các ví dụ trong tiêu chí này bao gồm việc lãnh đạo và quản lý công ty, cơ cấu thành phần HĐQT, minh bạch về tài chính và liêm chính trong kinh doanh,…
Tiêu chuẩn ESG được coi là một cách tiếp cận toàn diện trong đầu tư và kinh doanh, nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh có lợi cho tất cả các bên liên quan, không chỉ là chủ sở hữu và cổ đông của công ty, mà còn bao gồm cả môi trường, cộng đồng, nhân viên và khách hàng.
Luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn ESG phải công bố thông tin, kết quả hoạt động hằng năm như khai thác và tiêu thụ tài nguyên, chính sách lao động, báo cáo tài chính, đóng góp cho cộng đồng… Báo cáo này cần nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán một cách công khai.
Chống hối lộ và tham nhũng. Đây là yếu tố rất được quan tâm trong quản trị, sẽ đánh giá theo luật Phòng chống hối lộ và tham nhũng – luật Hình sự của Việt Nam.
Tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị. Tiêu chí ESG này đánh giá sự đa dạng về nguồn gốc của các thành viên trong hội đồng quản trị về giới tính và lý lịch. Theo luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp còn buộc phải có hội động quản trị độc lập, ví dụ 1/5 thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết phải độc lập.
Trong Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025" đã được Chính phủ ban hành ngày 8/2/2022. Với mục tiêu tổng quát là: “Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030”. Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững, phát triển các công cụ và giải pháp đánh giá các doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Để giúp doanh nghiệp chuyển dịch theo xu hướng phát triển bền vững, cùng với việc xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức đánh giá độc lập hoạt động tốt tại Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản trị ESG cho các doanh nghiệp trên thị trường.
Theo vietq.vn
Lượt xem: 1  |  Chia sẻ: 0

Tin cùng chuyên mục