Ngày đăng 18/07/2018 | 12:00 AM 

BIM và triển vọng áp dụng trong ngành Xây dựng

(NSCL) Theo các số liệu thống kê, ngành Xây dựng là ngành có năng suất tương đối thấp. Để nâng cao năng suất, ngành Xây dựng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin, trong đó mô hình thông tin công trình (BIM) có thể là một giải pháp quan trọng.
Mặc dù BIM không phải là mới, nhưng nó vẫn đang trong các giai đoạn phát triển ban đầu. Kể từ khi được đưa vào áp dụng, việc triển khai thành công BIM không phụ thuộc nhiều vào loại dự án mà là các điều kiện bên ngoài giúp xác định liệu BIM có được sử dụng hiệu quả hay không.
 
Ông Brett Stefanko - Trưởng phòng quản lý đổi mới cơ sở hạ tầng của Tập đoàn Bechtel cho biết, điều kiện đầu tiên là thời gian. BIM được triển khai tốt nhất là ở giai đoạn đầu của dự án, trong khoảng giữa giai đoạn phác thảo và giai đoạn phát triển dự án. Sự phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác liên quan có vai trò quan trọng. Quá trình này không dễ dàng, vì sự phát triển của BIM vẫn đang sơ khai, trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc tư duy về sự cần thiết và các yêu cầu về dữ liệu cho toàn bộ vòng đời của dự án sẽ giúp mang lại những thành công lớn.
 
Điều kiện thứ hai là chuỗi cung ứng tham gia có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu để ứng dụng BIM. Điều này bao gồm các đối tác thiết kế, cung ứng vật liệu, các nhà thầu phụ.
 
Điều kiện thứ ba là việc lựa chọn được nhà thầu phù hợp - có quan điểm đúng đắn về quy trình quản lý hướng tới mục tiêu và có lịch sử về thực hiện thành công các dự án.
 
Ông Brett Stefanko cũng cho biết, tại Tập đoàn Bechtel, BIM là một triết lý thực hiện tiêu chuẩn, được tích hợp vào các quy trình làm việc và trình tự triển khai mỗi dự án.
 
Quan hệ hợp tác
 
Theo bà Magdalena Pyszkowska, giám đốc toàn cầu về phát triển BIM của công ty Bouygues, BIM có thể áp dụng ở bất kỳ nơi nào có một môi trường mở cho sự hợp tác. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp, khả năng tiếp cận và sự hiểu biết về các mục tiêu của BIM sẽ giúp nhóm thực hiện dự án áp dụng BIM một cách đúng đắn.
 
Bằng việc kết nối các nhóm công tác khác nhau trong cùng một dự án và đưa ra hình ảnh trực quan về các hạng mục xây dựng và chuỗi công việc, BIM giúp cho quá trình xây dựng trở nên rõ ràng hơn. Theo cách đó, BIM cho phép đưa ra các quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn tại mỗi giai đoạn của dự án. Nếu không có BIM, tiến độ của dự án theo tiến độ lưu chuyển tài liệu. Chất lượng và sự kiểm soát dự án được quản lý thông qua các bộ phận chức năng và các tầng nấc quản lý. Mỗi một bước có thể có những sai sót, dẫn đến mất nhiều thời gian để khắc phục hoặc điều chỉnh. Trong khi đó, nếu áp dụng BIM, các nhóm thực hiện dự án có thể nhanh chóng phối hợp và cùng xem xét thiết kế một cách trực quan. Nhờ đó có thể kiểm soát được chất lượng, giảm sai sót.
 
Ông Andy Dickey - Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty Trimble cho rằng, các thông tin cập nhật đọc được trên máy tính có thể được sử dụng trong cả quá trình, không chỉ đóng khung trong một giai đoạn của dự án mà còn sống động trong các giai đoạn tiếp theo. Khả năng tương tác với các điều kiện thay đổi, ví dụ như giá vật liệu, cũng được tăng cường nếu như chuỗi cung ứng phù hợp được vận hành.
 
Điều này hoàn toàn đúng đối với dự án xây dựng Trung tâm Thể thao Singapore của Tập đoàn Bouygue - dự án bao gồm việc xây dựng một sân vận động 55.000 chỗ ngồi, một trung tâm thể thao dưới nước có 6.000 chỗ ngồi và một sàn thi đấu thể thao 3.000 chỗ ngồi. 
 
Bà Magdalena Pyszkowska cho biết, việc sử dụng mô hình hóa 3D giúp cho công ty phản ứng nhanh chóng đối với những thay đổi theo yêu cầu của các kiến trúc sư và chủ đầu tư, giúp các bên tăng cường đối thoại. Mặc dù việc áp dụng BIM cũng gặp phải một số trở ngại ban đầu. Mặc dù BIM được đánh giá là sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho các ngành kỹ thuật, mua sắm và xây dựng, nhưng việc áp dụng BIM cũng có những rào cản. Theo ông Dickey, điểm yếu lớn nhất của BIM là khả năng áp dụng trong suốt quá trình sử dụng dữ liệu BIM.
 
Sự tham gia của các bên liên quan
 
Nếu các bên liên quan dự án không có khả năng kết nối với một mô hình được chia sẻ, thì toàn bộ khái niệm BIM - nhằm minh bạch hoàn toàn - sẽ bị suy yếu vì có một số yếu tố trong quá trình trở nên khó hiểu.
 
Theo bà Pyszkowska, đa số các công ty tiếp cận BIM muộn hơn những người áp dụng sớm từ 2-3 năm, là do một số khó khăn trong việc áp dụng BIM . Để áp dụng BIM đòi hỏi phải có những đầu tư đáng kể ngay từ đầu, ví dụ như xây dựng lộ trình áp dụng, xây dựng hệ thống mã hóa và phân loại.
 
Ông Stefanko cho biết, việc xây dựng một thư viện đối tượng phong phú, với các công cụ đủ mạnh, trình độ thiết kế cao (LOD) để phục vụ dự án từ bước phác thảo cho đến thiết kế, thi công, vận hành, phá dỡ sau khi hết tuổi thọ công trình, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và tầm nhìn. Nếu như không ý thức đầy đủ về BIM, với những yêu cầu thấp và tầm nhìn hạn chế, thì sẽ tạo ra những sai lầm và thiếu hiệu quả, dẫn đến việc đưa ra các quyết định không đúng. Việc liên kết tất cả các bên gồm các nhà cung cấp, đối tác thiết kế, xây dựng … trong một môi trường năng động và luôn biến đổi là điều không dễ dàng.
 
Thách thức đặt ra là làm thế nào để kết nối tất cả các công cụ và cơ sở dữ liệu riêng biệt trong một mô hình kỹ thuật số duy nhất, đặc biệt là có sự phức tạp do các yếu tố đều động. Giải pháp được Công ty Bechtel là Quản lý Dữ liệu lớn - một hệ thống mã hóa dự án động cho phép các yếu tố đầu vào khác nhau được đồng bộ hóa vào mô hình thông tin dự án. Giải pháp này được xây dựng dựa trên Ma trận điều phối dự án, biểu thị trực quan phạm vi và các liên kết các giai đoạn thiết kế, thi công, vận hành và bàn giao. 
 
Ứng dụng BIM tại dự án xây cầu Grandfather
 
BIM đã được ứng dụng từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối của dự án xây dựng cầu Grandfather tại thành phố Helsinki, Phần Lan. Đây là chiếc cầu thép có một nhịp dài 144m, rộng 4 m và sàn cầu được treo bởi 22 thanh cáp treo.
 
Mới mục tiêu giảm thiểu sử dụng văn bản giấy, công ty phần mềm Tekla đã phát triển một phần mềm cho phép chuyển đổi dữ liệu BIM giữa các đối tác của dự án. Tekla cũng muốn phần mềm này dễ sử dụng cho nhà thầu Kreate do đây là lần đầu tiên nhà thầu Kreate sử dụng công nghệ này.
 
Ông Aki Kopra - kỹ sư của nhà thầu Kreate cho biết, trong giai đoạn đấu thầu dự án này, mô hình BIM là yêu cầu bắt buộc. Mặc dù BIM đã khá phổ biến, song đối với công ty Kreate, đây là dự án đầu tiên áp dụng mô hình này để hỗ trợ tính dự toán trong giai đoạn đấu thầu. BIM cũng giúp cho việc tránh được những sai sót trong thiết kế, từ đó tiết kiệm được thời gian.
 
Ông Jarkko Savolainen - chuyên gia tư vấn về BIM của dự án này cho rằng, giai đoạn lập quy hoạch sẽ trở nền dễ dàng và rõ ràng hơn nếu sử dụng BIM. Mô hình BIM làm cho dự án trở nên rõ ràng hơn đối với các bên liên quan, đồng thời còn giúp đội ngũ thi công ở hiện trường thấy rõ và hiểu rõ kết cấu của công trình.
 
Trong dự án xây dựng cầu Grandfather, BIM không chỉ được sử dụng trong việc thiết kế mà còn được áp dụng để lập kế hoạch tiến độ, giám sát và hỗ trợ việc lắp đặt các cấu kiện. Điều này giúp cho việc hợp tác suôn sẻ và đồng bộ giữa các bên thiết kế, chế tạo và lắp đặt.
 
Tại dự án này, các bên tham gia đã lựa chọn phần mềm Tekla Model Sharing để truy cập vào hệ thống BIM, và sử dụng các thông tin thường xuyên được cập nhật mới nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng - Thành phố Helsinki cũng có thể theo dõi trực quan tiến độ của dự án.
 
 
 
 
Nguồn: Tạp chí International Construction, tháng 6/2018 ND: Minh Tuấn
Lượt xem: 1  |  Chia sẻ: 0

Tin cùng chuyên mục