Ngày đăng 21/10/2019 | 12:00 AM 

Mối liên hệ giữa Lean và 6 Sigma – Sự tác động tương hỗ giữa 2 loại công cụ cải tiến (Phần 2)

(NSCL) Như đã nói trong phần trước, việc áp dụng song song 2 công cụ cải tiến Lean và 6 Sigma không hề gặp bất kì trở ngại nào do cách tiếp cận và lĩnh vực cải tiến của chúng là khác nhau. Do đó, nỗ lực tích hợp thực hiện 2 loại công cụ này để đạt hiệu quả cao hơn đã trở thành mục tiêu của rất nhiều nhà sản xuất trong thế kỉ trước. Cho đến những năm 90, một mô hình quản lý kết hợp có chọn lọc giữa Sản xuất tinh gọn (Lean) và 6 Sigma đã ra đời.

Nó được xem là một xu thế mới trong việc lựa chọn các phương pháp và công cụ cải tiến một cách hữu hiệu nhằm phát huy tốt nhất khả năng nội tại của tổ chức để đồng thời đáp ứng cả ba yêu cầu quan trọng đối với khách hàng: giá cạnh tranh, chất lượng tốt và thời gian giao hàng đúng hạn. Mô hình LSS đã được áp dụng thành công tại các tập đoàn đa quốc gia như: GE, Xerox, Boeing, Samsung, LG,.. Có thể nói LSS là một phương pháp linh hoạt và toàn diện để đạt được và duy trì sự thành công bền vững trong kinh doanh.

Lean Six Sigma được thực hiện theo phương pháp tiếp cận DMAIC bao gồm 5 giai đoạn theo trình tự: Define ( Xác định), Measure ( Đo lường), Analysis ( Phân tích), Improve ( Cải tiến) và cuối cùng là Control ( Kiểm soát). Mỗi giai đoạn được xác định những hoạt động cụ thể mà nhóm dự án phải thực hiện bằng một hệ thống các công cụ thích hợp.Tiến trình DMAIC là trọng tâm của các dự án cải tiến quy trình Six Sigma. Các bước sau đây giới thiệu quy trình giải quyết vấn đề mà trong đó các công cụ chuyên biệt được vận dụng để chuyển một vấn đề thực tế sang dạng thức thống kê, xây dựng một giải pháp trên mô hình thống kê rồi sau đó chuyển đổi nó sang giải pháp thực tế.

Điểm nổi bật của mô hình 6 Sigma là người sử dụng các kỹ thuật thống kê để kiểm soát quá trình sản xuất hay cung cấp dịch vụ. Các quá trình được thiết kế sao cho đạt được sự biến đổi được xác định thông qua các kỹ thuật thống kê, phân tích các yếu tố gây ra sai lỗi và tìm cách điều chỉnh để quá trình đạt được mục tiêu đã xác định. Trong khi đó, Lean có thể giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm với ít chi phí nhất, giao hàng trong thời gian nhanh nhất, sẽ giúp doanh nghiệp tăng cao khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn luôn được coi là mối ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Do đó, các nhà sản xuất cần kết hợp với mô hình 6 Sigma có thể giúp cung cấp cho doanh nghiệp một phương thức kiểm soát quá trình chặt chẽ, nhờ đó ổn định và giảm sự biến đổi về chất lượng của sản phẩm/dịch vụ cung cấp.

Khi tích hợp Lean – 6 Sigma (LSS) các triết lý của Lean và 6 Sigma, các phương pháp và quá trình được kết hợp hỗ trợ với nhau để trở thành LSS. Khung thực hiện của LSS là 6 Sigma, nhưng cách tiếp cận theo Lean được sử dụng đặc biệt trong việc thiết lập các mục tiêu và phương pháp triển khai dự án cải tiến; PDCA của Lean và DMAIC của 6 Sigma có thể được sử dụng kết hợp linh hoạt. Nhìn chung, nếu doanh nghiệp của bạn đang hướng đến một mô hình cải tiến toàn diện thì Lean – 6 Sigma chính là câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm.
Theo nscl.vn
Lượt xem: 0  |  Chia sẻ: 0

Tin cùng chuyên mục